“Kim ơi nhảy đi. Mông em sẽ đỡ cho em.” Đó là “lời khuyên” mà Scott Disick dành cho Kim Kardashian, khi nữ siêu sao với hơn 140 triệu người theo dõi trên Instagram tính nhảy từ mạn chiếc thuyền hai cột buồm truyền thống phinisi Prana by Atzaro xuống nước.
Nằm trong một tập của chương trình truyền hình thực tế Keeping Up with the Kardashians, cảnh tượng trên thuộc chuyến nghỉ dưỡng của gia đình nhà Kardashian tại phía Tây Nam đảo Lombok trên chiếc du thuyền thuê hoàn toàn mới và nổi tiếng nhất Indonesia. Và tất nhiên, họ đáp trực thăng bay từ Bali để lên tàu.
Trong lúc Kim vẫn còn do dự, cô chị gái Kourtney và bạn đời Scott đã nhanh chân nhảy từ rầm néo buồm của chiếc tàu phinisi khổng lồ 9 phòng ngủ. “Cao quá. Em sợ quá,” Kim hét lớn. Sau vài lời động viên của bạn bè và gia đình, kèm câu đùa của Scott nêu trên, cô nàng cuối cùng cũng liều mình lao xuống nước.
Châu Á đang nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của người nổi tiếng và giới siêu giàu. Riêng chuyến thăm chóng vánh của nhà Kardashian là ví dụ điển hình cho thấy hành vi và chân dung của khách hàng thuê tàu đang thay đổi rõ rệt. Thuê tàu trong một tuần ở vùng Địa Trung Hải và bất kỳ nơi nào khác trên thế giới vốn là thông lệ, nhưng không hẳn là quy tắc bất di bất dịch tại châu Á.
“Ngày càng có nhiều khách thuê tàu nhưng không giong buồm ra khơi dài ngày. Khách hàng tại châu Á thường thích thuê tàu ngắn hạn vào dịp cuối tuần ở Đông Nam Á, tùy thuộc vào lịch trình của họ và đường bay thuận lợi từ các hãng hàng không”, Reanna Wang, Quản lý Dịch vụ Thuê tàu của Simpson Yacht Charter chia sẻ. “Đây được xem là hình thức nghỉ dưỡng mới. Nếu trước đây mọi người thường hay thuê villa, thì nay họ cân nhắc thuê tàu. Chuyện này phổ biến hơn ở châu Á, nơi tốc độ phát triển của ngành du thuyền tuy còn chậm, nhưng giàu tiềm năng”.
Một châu Á đa dạng
Trên thực tế, thuê tàu trong ngày diễn ra phổ biến tại các thủ phủ tài chính châu Á như Hồng Kông và Singapore. Riêng thời gian thuê tàu dài hơn thường dành cho các chuyến du ngoạn khám phá những thiên đường nhiệt đới ở Đông Nam Á.
“Tại Hồng Kông và Singapore, 99% các cuộc gọi liên hệ tư vấn là về thuê tàu trong ngày. Riêng tại chi nhánh của chúng tôi ở Phuket, 80% là cho thuê tàu qua đêm”, Reanna nhận định. “Tại châu Á, các địa điểm phổ biến cho khách thuê tàu qua đêm vẫn là ở biển Andaman, từ Langkawi lên đến bờ Tây Thái Lan, cho tới Mergui – và tại Indonesia. 70% khách tìm đến chúng tôi thường thích thuê tàu catamaran”.
Các lựa chọn thuê tàu bao gồm tàu có hoặc không có thuyền viên, thuyền buồm, thuyền động cơ, và siêu du thuyền. Ngay trong phân khúc siêu du thuyền, theo như Carmen Lau, Giám đốc Điều hành của Camper & Nicholsons Asia, hành vi của khách thuê tàu cũng đang thay đổi.
“Chính phủ các nước cần nhận thức được rằng du thuyền là ngành kinh doanh chính thống. Họ nên tạo điều kiện hỗ trợ về quy trình chính thức liên quan đến phương tiện giải trí và kinh doanh cho thuê trong quy định, thuế, và những địa điểm mà tàu có thể ghé đậu”, Lau kết luận.
“Rằng siêu du thuyền và ngành thuê tàu mang lại nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cho đất nước thông qua các dịch vụ và giao thương liên đới. Vấn đề này nên được các nước trong vùng tiếp cận và xử lý cùng nhau, vì cơ hội và khả năng để mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn là rất rộng mở”.
Siêu du thuyền ghé thăm châu Á
Dù vẫn còn hạn chế về quy định và thủ tục, vùng Đông Nam Á đang ngày càng thu hút nhiều siêu du thuyền dài hơn 30m (không phải tất cả đều là cho thuê) trong vài năm trở lại đây, theo một báo cáo của SuperyachtNews với dữ liệu từ MarineTraffic.
Siêu du thuyền đến Thái Lan tăng từ 27 chiếc trong năm 2015 đến 41 vào năm 2018, chưa kể năm 2016 con số đó là 36, và 32 ở năm tiếp theo. Indonesia là địa điểm trọng yếu khác trong vùng với 38 siêu du thuyền cập bến vào năm 2018, cũng như chào đón tầm 28-31 chiếc trong 3 năm trước đó.